CHÌA KHÓA CỦA QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

(Nguồn: ETEP.MOET.EDU.VN)

Theo các chuyên gia, đội ngũ nhà giáo vừa là chìa khóa, vừa là nhân tố đóng vai trò chủ yếu trong quá trình đổi mới GD. Do đó cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo Chương trình GDPT mới.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp Học viện Quản lý GD, trong bối cảnh đổi mới GD, nhà giáo phải đối diện với nhiều thách thức mới. Chẳng hạn như nhà giáo sẽ phải đối mặt với việc HS sử dụng thông thạo thiết bị thông minh, trong khi nhiều nhà giáo vẫn có cảm giác xa lạ với các tiện ích của thiết bị kỹ thuật số. Đó là một thách thức mà nhà giáo có thể gặp phải trong quá trình dạy học trên lớp. Vì thế, nhà giáo cần phải thích nghi với sự thay đổi này, làm quen với các công nghệ.

Tuy nhiên, PGS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, bên cạnh những thách thức, kỷ nguyên công nghệ số cũng mang đến những cơ hội to lớn cho GD. Ngày nay, GD có thể thực hiện mở rộng quy mô nhờ tổ chức dạy học không còn giới hạn trong các lớp học truyền thống. Vì vậy, ngày càng xuất hiện nhiều loại bài giảng ảo được thực hiện một cách có hệ thống, chẳng hạn như các khóa học trực tuyến mở ở nhiều nơi trên thế giới.

Các nhà GD cần tự thích nghi để tận dụng lợi ích do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Trong số những điều chỉnh và thay đổi mà nhà giáo phải làm là suy nghĩ lại về vai trò và quá trình dạy học của mình.

Họ cũng cần tiến hành làm cho các chương trình thích ứng hơn, chẳng hạn như: Điều chỉnh nội dung chương trình giảng dạy với nội dung hướng tới trang bị cho học sinh những kỹ năng của thế kỷ 21, đồng thời chọn và áp dụng các mô hình học tập phù hợp với thế hệ học sinh của thế kỷ 21. Điều này bao gồm thực hành việc học tập kết hợp và sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho việc dạy và học. “Hy vọng rằng bằng cách này có thể tận dụng tối đa những cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho nền GD của chúng ta” – PGS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Bá Lộc – Trường Cán bộ quản lý GD TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh đổi mới, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV trường phổ thông cần tập trung vào phát triển vào phẩm chất và năng lực; qua đó giúp họ phát huy được tiềm năng của mình.  Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng. Trong quá trình bồi dưỡng, cần bảo đảm cho người học được trang bị những hiểu biết về kỹ thuật số và công nghệ ở tất cả các chuyên đề, module nghiên cứu, để học viên dễ dàng tiếp cận những tiến bộ về khoa học và công nghệ ứng dụng trong quản lý GD ở trong và ngoài nước. Cùng với đó, cần xây dựng chương trình trực tuyến, thư viện số để học viên có thể học tập, trao đổi học thuật và nghiên cứu tài liệu theo nhu cầu của bản thân và công việc.

Theo ông Lê Bá Lộc, một số nội dung của chương trình bồi dưỡng có thể thực hiện theo hình thức e – learning để giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời tăng tính tích cực của người học. Việc sử dụng công nghệ thường xuyên trong quá trình học tập cũng hình thành và bồi dưỡng những kỹ năng về công nghệ cho học viên khi tham gia công tác quản lý trường phổ thông.Không xem nhẹ công tác bồi dưỡng Nhấn mạnh, đội ngũ hay nguồn nhân lực là nhân tố góp phần quyết định sự thành bại trong các lĩnh vực, Thạc sỹ Lê Giang Đông – Trường THPT Châu Phong (An Giang) cho rằng, GD-ĐT không nằm ngoài quy luật này. Để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD rất cần nhiều yếu tố; trong đó không thể xem nhẹ yếu tố nguồn nhân lực là đội ngũ nhà giáo. Do đó, ngành GD cần có giải pháp hợp lý để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay. Theo đó, cần bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông mới.

Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV về chuyên môn và nghiệp vụ theo chuẩn hiệu trưởng, hiệu phó, chuẩn nghề nghiệp GV.  Đồng thời nâng cao kiến thức, tay nghề chuyên sâu và tác phong công nghiệp trong đào tạo nghề, phát huy tư duy sáng tạo, năng lực nghiên cứu ở bậc đại học. Kiện toàn và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Xây dựng lộ trình để GV tự bồi dưỡng, phổ cập tiếng Anh, chuẩn bị để triển khai dạy song ngữ ở một số trường trung học khi có điều kiện. Mặt khác, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ GV, đặc biệt là đội ngũ GV ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm.

“Chúng ta cũng cần xây dựng môi trường và tạo điều kiện tốt để GV có thể rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển năng lực sư phạm của mình trong môi trường đó.  Để làm được điều này, phải chăng rất cần sự nhận thức tốt vấn đề của người đứng đầu, của hiệu trưởng” – Thạc sỹ Lê Thị Kim Bách đặt vấn đề, đồng thời trao đổi: Để đào tạo lại đội ngũ GV hiện nay về tay nghề, nghiệp vụ sư phạm theo đúng yêu cầu đổi mới GD không thể để bản thân mỗi GV tự mình học tập, rèn luyện mà phải có tổ chức, có kế hoạch, sự quan tâm của ngành và người đứng đầu mỗi cơ sở GD. Có như vậy mới tạo môi trường tích cực cho GV rèn luyện, bồi dưỡng.

Theo Thạc sỹ Lê Thị Kim Bách – Trường ĐH An Giang, xuất phát từ đặc trưng của nhà trường hiện đại, những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của nhà giáo, đòi hỏi GV phải được trang bị những kiến thức chuyên môn và năng lực sư phạm, khả năng đáp ứng linh hoạt, hiệu quả nên cần phát triển năng lực cho GV.

“Trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV rất quan trọng và cần thiết. Trong trường học, hiệu trưởng có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV. Vì vậy, hiệu trưởng phải là người kiến tạo môi trường cho GV phát triển năng lực nghề nghiệp”.

Lê Đăng